SVB – nhà băng quản lý hàng trăm tỷ đô chính thức sụp đổ, cơ quan quản lý tịch thu tài sản để chuẩn bị thanh lý
Theo CNBC, cổ phiếu SVB Financial Group – công ty mẹ của Silicon Valley Bank (SVB), tiếp tục lao dốc trong ngày 10/3. Diễn biến này tiếp tục gây áp lực lên toàn bộ lĩnh vực ngân hàng trên Phố Wall, khi nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều ngân hàng cũng chứng kiến danh mục đầu tư trái phiếu thua lỗ nặng.
Ở phiên 9/3, cổ phiếu SVB đã giảm 60%. Sang đến phiên trước giờ giao dịch ngày 10/3, cổ phiếu này tiếp tục lao dốc 62% và bị tạm dừng giao dịch.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng cho biết sẽ thảo luận về việc “bán mình” sau khi nỗ lực huy động vốn không thành công. CNBC đưa tin, họ đã thuê các cố vấn để tìm hiểu về khả năng bán lại hoạt động kinh doanh.
Ngay trong buổi chiều ngày 9/3, SVB đã nỗ lực liên hệ với các khách hàng lớn nhất của mình, nhấn mạnh rằng công ty có nguồn vốn ổn định, bảng cân đối kế toán lành mạnh và “thanh khoản dồi dào, linh hoạt”. Thậm chí, CEO của SVB còn tổ chức một cuộc họp online để trấn an rằng nhà đầu tư nên “bình tĩnh”. Song, mọi thứ lại là quá muộn.
Tuy nhiên, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã ngay lập tức thông báo đóng cửa và tịch thu tài sản của SVB. FDIC cho biết sẽ mở cổng rút tiền cho các khoản tiền gửi có bảo hiểm vào thứ Hai tuần sau. Khách hàng có tiền gửi không được bảo hiểm tiền gửi sẽ nhận giấy chứng nhận nợ và phải chờ đến khi FDIC thanh lý tài sản của ngân hàng để được bồi thường.
Thông báo của FIDC đã đánh dấu sự sụp đổ của SVB, ngân hàng thương mại lớn thứ 16 nước Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD. Một số tờ báo lớn thậm chí còn gọi đây là sự kiện ngân hàng phá sản nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính 2008, đứng sau ngân hàng Washington Mutual khi sụp đổ với số tài sản là 307 tỷ USD.
William Isaac, cựu chủ tịch của FDIC từ năm 1981 đến 1985, cho biết: “SVB không sở hữu số vốn nhiều như của một định chế tài chính gặp nhiều rủi ro lẽ ra phải có. Một khi vết nứt đã xuất hiện thì không điều gì có thể dừng lại đại. Và đó là lý do tại sao FDIC phải đóng cửa ngân hàng này ngay lập tức.”
Trước đó, mối lo ngại của các nhà sáng lập và nhà đầu tư mạo hiểm đã trở nên cực kỳ căng thẳng, sau khi SVB khiến cả thị trường bất ngờ với thông báo cần huy động 2,25 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu. Ngân hàng này buộc phải thanh lý danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán (available-for-sale) với khoản lỗ 1,8 tỷ USD và các startup ồ ạt rút tiền gửi.
Thông tin này cùng với việc nhà cho vay tập trung vào lĩnh vực tiền số – Silvergate, sụp đổ đã tạo ra làn sóng rút tiền khác. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang khuyến nghị các công ty trong danh mục của họ rút tiền mặt vì lo ngại đến tình trạng thanh khoản.
Áp lực với thị trường ngày càng tăng lên khi tỷ phú Bill Ackman nhận định rằng nếu tâm lý của các nhà đầu tư không thể ổn định trở lại đối với SVB, thì chính phủ có thể cần tung ra một gói cứu trợ.
Ngân hàng này trước đây có hơn 90 tỷ USD trái phiếu được nắm giữ đến ngày đáo hạn (held-to-maturity), họ sẽ không phải chịu lỗ trừ khi buộc phải bán ra trước hạn để bù đắp cho số tiền gửi ồ ạt bị rút ra. Khi Fed liên tục tăng lãi suất, giá trái phiếu Kho bạc cũng sụt giảm. Theo đó, danh mục của SVB cũng mất giá trị.
Cuối tuần trước, vốn hoá của SVB là 16,8 tỷ USD, nhưng sau cơn bán tháo kinh hoàng ngày 9/3, ngân hàng này chỉ còn trị giá 6,3 tỷ USD.
Tham khảo CNBC; Bloomberg